3.000 công ty logistics nội
3.000 công ty logistics của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với khoảng 29 công ty logistics đa quốc gia để giành quyền vận chuyển hàng hoá Việt Nam xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới. Logistics, một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm chi phí xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Thế nhưng, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam rất cao, khoảng 21% GDP năm 2014, trong khi con số này Singapore là 9%, còn các nước phát triển chỉ 10-14%, theo Viện Nghiên cứu Nomura, Nhật Bản.
Chi phí dịch vụ logistics cao, ông Lê Duy Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Transimex, cho là “một nguyên nhân chính làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics trong nước”.
Dịch vụ logistics đang có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 21% GDP của cả nước. |
Chưa hết, chi phí dịch vụ logistics cao, cũng làm “giảm đáng kể” khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia khác. Một số ngành hàng như gạo, rau quả và nội thất, có tổng chi phí logistics chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng giá thành hàng hoá.
Vị Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Transimex lo ngại, hơn 70% tổng chi phí logistics của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển nước ngoài khi hàng hoá của Việt Nam vận chuyển ra quốc tế.
Báo cáo “Nghiên cứu Logistics ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017, đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics cao của Việt Nam.
Theo Báo cáo này, các chi phí cho nhiên liệu, cầu đường, bốc xếp tại cảng, các khoản thanh toán không chính thức, các khoản phí phát sinh do mất cân bằng giữa nhập khẩu và xuất khẩu, tắc nghẽn tại cảng, tắc nghẽn giao thông đường bộ. Cạnh đó, sự thiếu kết hợp vận chuyển hàng hóa hai chiều đang là nguyên nhân làm tăng chi phí.
Đặc biệt, chi phí phát sinh do tắc nghẽn giao thông đường bộ gia tăng đang là mối quan ngại lớn. Phát triển cơ sở hạ tầng trong thập kỷ gần đây nhất đã không theo kịp với nhu cầu.
Việc chống lại ùn tắc giao thông quanh cảng Cát Lái đã trở thành một trong những thách thức quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả logistics của khu vực. Hiện nay lượng hàng thông qua cảng Cát Lái đã vượt mức công suất dự kiến.
Cũng bởi tắc nghẽn giao thông đường bộ, chất lượng tổng thể của chuỗi cung ứng có nhiều rủi ro và chi phí logistics gia tăng, hậu quả khác khi sử dụng cảng bị tắc nghẽn cao là năng suất của đội xe tải giảm xuống.
Trên thực tế, chỉ số đánh giá kết quả thực hiện logistics (LPI) của Việt Nam đang suy giảm nhanh, xét theo Báo cáo “Kết nối với cạnh tranh: Logistics thương mại trong nền kinh tế toàn cầu” do WB công bố định kỳ hai năm một lần.
Năm 2016, Việt Nam đã rớt xuống thứ 64/160 quốc gia xếp hạng, trong khi Singapore duy trì ở hạng 5. Kết quả này là bước lùi khá lớn của Việt Nam so với lần công bố vào năm 2014. Khi đó, Việt Nam đã có thay đổi vượt bậc từ vị trí 53/155 quốc gia trong 3 kỳ liên tiếp, lên vị trí 48/160 quốc gia và Singapore xếp hạng 5, Malaysia hạng 25 và Thái Lan hạng 35.
Chi phí "trà nước"
Chi phí logistic quá cao đã được WB đề cập đến như là một hạn chế mà Việt Nam phải “nhanh chóng cải thiện” để đóng góp hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị hàng hoá của chính Việt Nam. Theo tổ chức này, chi phí logistics nội địa chiếm khoảng 22,59% trên tổng chi phí logistic, trong đó chiếm tỷ trọng chủ yếu là phí THc (5,13%) và cước vận tải đường bộ (7,31%).
WB cũng tính đến hai khoản chi không chính thức, còn gọi là chi phí trà nước, để khai báo thủ tục hải quan được nhanh chóng, khoảng 21USD/container 40 feet và chi bồi dưỡng chặng vận tải nội địa khoảng 55,5 USD/ container 40 feet. Như vậy, nếu so sánh các chi phí không chính thức so với tổng chi phí logistic nội địa, có thể thấy các khoản chi này chiếm tỷ trọng rất lớn đến 13,4%.
Tại Việt Nam đang có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó 70% có trụ sở ở khu vực TP Hồ Chí Minh và khoảng 29 công ty logistics đa quốc gia, số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việc nâng cao tính tin cậy của chuỗi cung ứng và tăng cường hiệu quả của hoạt động logistics sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm đi những thiệt hại và giảm chi phí kinh doanh. Với tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 16-20%, logistics trở thành một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều của nền kinh tế những năm gần đây của Việt Nam.
Căn cứ vào số liệu dự báo về lượng container xuất khẩu qua các cảng biển Việt Nam vào năm 2020, WB đã tính toán được tổng chi phí không chính thức mà các chủ hàng xuất khẩu Việt Nam phải gánh chịu lên tới trên 242 triệu USD.
Chi phí phát sinh liên quan đến lưu kho, tồn hàng tại các cảng biển, cảng hàng không sẽ chiếm tới 182 triệu USD vào năm 2020, theo báo cáo Logistics Report Vietnam (WB). Con số này của năm 2015 là 121 triệu USD. Đã nhiều năm quan tâm đến lĩnh vực logistics, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói có 3 vấn đề cơ bản cần xử lý.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng của dịch vụ logistics trong đó có văn bản mà chúng ta đang rất yếu Đồng bằng Sông Cửu Long đang rất thiếu tuyến đường sông nhưng tỷ lệ khai thác còn rất là thấp, phải nâng cao tỷ lệ này.
Thứ hai, nhiên liệu rất cao so với giá thành vận tải, nhưng thực tế, nhiên liệu trong nước không cao. Việc đẩy giá cao ở nhiều khâu, trong đó có chi phí đi đường, cầu đường... Thêm nữa, khả năng kết nối vận tải của nước ta rất kém, từ đường bộ, đường biển sang đường sông, cũng làm gia tăng chi phí.
Thứ ba, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp làm về logistic. Bây giờ các doanh nghiệp logistic trên thế giới áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi đường đi, thời gian luân chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp trong nước phải đầu tư theo hướng này.
Thực ra, những khuyến cáo của ông Tuyển là cần nhưng chưa đủ để thay đổi thực trạng của ngành logistics hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng giá trị của logistic trong GDP và giảm chi phí logistics vẫn chưa có được giải pháp rốt ráo từ Chính phủ cũng như bộ ngành liên quan.