Đánh giá từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển, thời gian qua dịch vụ logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những biến chuyển tích cực. Gần đây, có thêm nhiều dự án logistics đi vào hoạt động đã thực hiện tốt các chức năng cơ bản như kho bãi, xếp kho, thu gom phân phối hàng hóa phục vụ tại các Khu Công Nghiệp (KCN) và các tỉnh lân cận.
Nhiều năm qua, với những chủ trương, chính sách cụ thể và nhất quán, tỉnh BRVT được ghi nhận và đánh giá là địa phương đi đầu trong khai thác tiềm năng, tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong đó, tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, nhằm nhanh chóng đưa BRVT trở thành trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics lớn của khu vực và quốc tế.
Theo đó, tỉnh đã có những đầu tư cho việc phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển nước sâu đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BRVT có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm; trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Nhằm phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh BRVT đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, để "tận dụng" hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp (KCN) gắn với cảng biển. Đến nay, BRVT có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD…
Về đầu tư và phát triển doanh nghiệp, trong 10 tháng đầu năm 2022 địa phương này đã thu hút và cấp mới 15 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 269,59 triệu USD; 36 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 14.111,2 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 1.568 doanh nghiệp, tăng 59% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 15.114 tỷ đồng, bằng 75% so cùng kỳ; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 207 chi nhánh, văn phòng đại diện; thành lập mới 15 hợp tác xã…Hiện BRVT cũng đã đưa vào khai thác 50 cảng với tổng chiều dài cầu cảng hơn 17 km, công suất 180 triệu tấn/năm. Riêng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có 24 dự án cảng đi vào hoạt động với tổng chiều dài cầu bến gần 11km với tổng công suất thiết kế 129 triệu tấn/năm, trong đó, có 8 cảng container công suất 8,3 triệu TEU/năm. Cảng Gemalink trở thành bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là một trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế. Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020, ngành cảng biển BRVT đạt khối lượng gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Cảng biển BRVT đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó nâng tầm vị thế và thương hiệu của cảng biển BRVT và của Việt Nam.
Từ đây có thể khẳng định rằng, hệ thống cảng biển tỉnh BRVT, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được đánh giá sẽ trở thành trung tâm cảng biển của toàn vùng Đông Nam Bộ trong tương lai.
Nguồn : https://vlr.vn/ba-ria-vung-tau-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-cang-bien-logistics-quoc-te-9475.html