Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Logistics khẳng định: "Mối quan hệ giữa CJ Logistics và Gemadept không phải thâu tóm như nhiều người nói, mà thực chất là hợp tác đôi bên cùng phát triển".
Thương vụ CTCP Gemadept (HOSE: GMD) chuyển nhượng 50,9% vốn của Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics diễn ra vào đầu tháng 10 năm ngoái đã dấy lên nhiều nghi vấn liệu "đại gia" cảng này đang bị thâu tóm bởi doanh nghiệp ngoại? Khi mà với định hướng trở thành Top 5 công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp toàn cầu, phía CJ Logistics đã "đánh bật" Tae Kwang để giành quyền mua tại 2 đơn vị trên mặc dù là kẻ đến sau.
Được biết, ngay từ giữa năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Tae Kwang của Hàn Quốc đã ngỏ ý muốn mua 51% cổ phần của Gemadept. Với số tiền dự kiến bỏ ra lên đến 444 triệu USD, những tưởng nhà đầu tư Hàn Quốc này sẽ đạt được mục đích. Tuy nhiên, "gió lại đổi chiều" vào những ngày cuối tháng 9/2017 khi CJ Logistics, một Công ty thuộc Tập đoàn CJ Group của Hàn Quốc đã trở thành kẻ ngáng chân khi tuyên bố cũng muốn mua lại cổ phần của Gemadept. Sau nhiều đồn đoán của thị trường, Gemadept cuối cùng đã chọn CJ Logistics để hợp tác. Mặc dù mức giá mà CJ Logistics bỏ ra để mua lại cổ phần của Gemadept không được tiết lộ, nhưng để có thể giành được phần thắng, chắc chắn người đến sau sẽ phải đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn hơn!?
Mãi cho đến hôm 15/5/2018, phía Gemadept mới chính thức lên tiếng về thương vụ trên trong buổi họp mặt nhà đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Logistics khẳng định: "Mối quan hệ giữa CJ Logistics và Gemadept không phải thâu tóm như nhiều người nói, mà thực chất là hợp tác đôi bên cùng phát triển".
Tại sao chọn hợp tác với CJ Logistics?
Không nói về giá mua lại, đại diện Gemadept đưa ra lý do đầu tiên Công ty chọn CJ Logistics bởi chiến lược phát triển của đơn vị Hàn Quốc này. Hiện một trong hai điểm đến của CJ Logistics là Việt Nam, cùng với Trung Quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành Top 5 công ty hàng đầu trong ngành trên toàn cầu.
Được biết, trước Gemadept, CJ Logistics đã mua lại rất nhiều hãng Logistics của Trung Quốc và Đông Nam Á, điển hình có thương vụ mua lại 31,4% cổ phần công ty Century Logistics của Malaysia và 50% trong dịch vụ thương mại Shenzen Speedex của Trung Quốc với tổng cộng 130 tỷ won. Vào tháng 4/2017, CJ Logistics cũng đã công bố việc mua 2 công ty là Ibura của các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất và Darcl Logistics tại Ấn Độ.
Quay trở lại chiến lược phát triển của CJ Logistics, từ trước đến nay việc đầu tư của Hàn Quốc thường xuất phát từ hai định hướng chính: (1) ngành điện tử thông qua Samsung, LG… và (2) ngành giày dép gia công. Tuy nhiên, CJ Logistics lại khác, là một đơn vị kinh doanh chính trong ngành thực phẩm – đây cũng là mảng được chính phủ Việt Nam rất "welcome", lãnh đạo Gemadept nhấn mạnh. Do đó, Gemadept chọn CJ Logistics bởi phạm vi hoạt động cũng như định hướng của nhà đầu tư Hàn Quốc này phù hợp, bên cạnh nền tảng quốc gia cũng phù hợp. Cùng với đó, hợp tác với CJ Logistics Công ty sẽ mở rộng được hệ thống khách hàng, đặc biệt khách hàng đến từ Hàn Quốc. Bởi, Gemadept trước đó rất ít khách hàng đến từ xứ "kim chi", chỉ mới tập trung tại thị trường Nhật, Mỹ, Trung Đông.
Ở chiều ngược lại, lý do CJ Logistics nhắm đến Gemadept có lẽ không còn xa lạ, xuất phát từ hệ thống cảng biển và logistics dọc chiều dài đất nước mà duy nhất Gemadept – một doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam – sở hữu. Theo kế hoạch, với sự cộng hưởng của Gemadept và CJ Logistics, kết quả kinh doanh chính của liên doanh các năm sau sẽ tiếp tục tăng trưởng với lợi nhuận trước thuế đến năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế của các mảng kinh doanh chính gồm cảng và logistics của Gemadept đến năm 2020 cũng sẽ tăng trưởng tương ứng.
Tham vọng hoàn thiện chuỗi hệ thống Logistics
Về định hướng của Gemadept trong lĩnh vực logistics, ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống Logistics hàng hóa tích hợp, bao gồm tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, từ vận tải biển, cảng, trung tâm phân phối đến vận tải hàng không, đường thủy và đường bộ.
Hiện nay, tại khu vực phía Nam, Gemadept đang sở hữu và khai thác các trung tâm phân phối lớn tại Khu Công nghiệp Sóng Thần, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hệ thống phân phối ở miền Bắc của Gemadept cũng đã có mặt tại các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Trong năm vừa qua, Gemadept đã tiên phong mở rộng mạng lưới ra các khu vực còn rất tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ… Tổng diện tích hệ thống trung tâm phân phối của Gemadept trên toàn lãnh thổ Việt Nam tính đến hết năm 2017 lên tới 300.000 m2. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục được gia tăng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Riêng trong lĩnh vực logistics hàng lạnh, sau khi hợp tác với Tập đoàn xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam - Minh Phú để xây dựng Trung tâm logistics lạnh lớn nhất Việt Nam với khu vực rộng 15 ha vào năm 2015, Gemadept cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong các ngành nghề tiềm năng khác như trái cây, thủy hải sản xuất khẩu, thịt đông lạnh… để nâng cao hiệu quả khai thác trung tâm logistics hàng lạnh hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế này.
Đáng chú ý, tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn còn khai trương Trung tâm logistics cho các dịch vụ xe ôtô tại tỉnh Long An, hợp tác với đối tác lâu năm là K’Line Nhật Bản. Trung tâm này có diện tích sử dụng là 55.000 m2, hoạt động theo mô hình dịch vụ tiếp vận xe ô tô lần đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Gemadept tiếp tục có những thành tích trong vận hành cảng hàng hóa tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, vận tải hàng dự án và giữ vững vị trí hàng đầu trong dịch vụ vận chuyển đường sông tại Việt Nam cũng như kết nối giữa Tp.HCM - Phnom Penh (Campuchia). Hiện nay, Gemadept đang sở hữu và khai thác 36 phương tiện vận tải thủy, biển các loại, 10.000 Teus thùng container và các phương tiện, thiết bị hiện đại khác.
Tri Túc
Theo Trí thức trẻ