CEO Vietjet Air Cargo cho biết họ sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển hàng hóa vào tháng 10 tới đây. Vận tải hàng hóa bằng hàng không chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, tuy khối lượng vận tải hàng không không bằng vận tải đường biển nhưng giá trị của nó lại tương đương.
Trả lời phỏng vấn tờ The Loadstar, Giám đốc điều hành Đỗ Xuân Quang của Vietjet Air Cargo cho biết họ sẽ ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng hóa vào tháng 10 tới đây.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch mua hoặc thuê lại một máy bay chở hàng và dần xây dựng nên hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không”. Được biết khách hàng đầu tiên của Vietjet là một công ty logistics Hàn quốc. Ban đầu dịch vụ sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Bangkok, Hong Kong và Manila.
Vietjet đã phát triển khá nhanh chóng kể từ khi thành lập vào năm 2011 tạo lập nên đội bay gồm 41 chiếc trong vòng chưa đầy 6 năm. Năm ngoái, hãng này đã chứng kiến doanh thu tăng kỷ lục 39% lên mức 1,23 tỷ USD trong khi đó số lượng hành khách cũng đã tăng 50% lên mức trên 14 triệu người.
Thương vụ IPO trị giá 170 triệu USD vào tháng 2 cũng biến Vietjet trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam dựa trên vốn hóa thị trường, vượt cả Vietnam Airlines. Đồng thời nó cũng giúp nhà sáng lập Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á. “Chủ tịch của chúng tôi rất tham vọng. Sau 5 năm rất thành công, từ 1 - 2 máy bay hiện chúng tôi đã sở hữu đội bay lên tới 40 chiếc và mục tiêu là nâng con số này lên 100 chiếc cho tới năm 2020”.
“Tuy nhiên, do trọng tải chứa hàng của những máy bay chở khách khá nhỏ chỉ khoảng 1 – 3 tấn, rất nhiều hàng hóa cần được sắp xếp bằng pallett vì vậy chúng tôi cần những máy bay chuyên chở hàng hóa”. Sau khi ra mắt thành công ở khu vực Đông Nam Á, ông Quang cho biết Vietjet lên kế hoạch nhắm tới những điểm đến khác ở châu Á gồm Tokyo, Incheon, Thương Hại và cuối cùng là Dubai.
“Sau khi mục tiêu đó thành công, chúng tôi sẽ tiến tới khu vực châu Âu gồm Frankfurt, Amsterdam, London, Paris và thậm chí cả New York. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng trong tương lai”. Trả lời tại Hội nghị Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào thứ 7 vừa qua, ông Quang đã chỉ ra tiềm năng bùng nổ của lĩnh vực hàng không và có thể sẽ gặp khủng hoảng năng suất trong tương lai.
Công suất vận chuyển hàng hóa hàng không tại tại Việt Nam là 1,4 triệu tấn và con số này được kỳ vọng sẽ gấp đôi lên mức 2,5 triệu cho tới năm 2020. Năm ngoái, khối lượng hàng hóa vận chuyển nội địa tăng 16% lên mức 400.000 tấn và xuất khẩu đạt 355.000 tấn, tăng 18%. Trung Quốc thống trị thị trường nhập khẩu của Việt Nam với 26% thị phần, tiếp theo là Hàn Quốc (20%) và Mỹ (9%).
Ông Quang mô tả tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất là "khủng khiếp" và giới hạn số lượng điểm đỗ máy bay còn 51 chiếc. Đây cũng là nguyên nhân khiến Vietjet được cảnh báo là nên "chậm lại" trong quá trình mở rộng đội bay với tham vọng mua 150 chiếc trong vòng 5 năm tới.
Cùng cảnh ngộ, tháng này hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam là Vietstar cho biết họ sẽ không nhận được giấy phép hoạt động cho đến khi nào sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng. Tất cả những kế hoạch này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Ông Quang cũng nhắc tới đề xuất sân bay Long Thành như một ý tưởng hợp lý để giải quyết tình trạng quá tải hiện tại.
“Cần có thêm một sân bay mới không phải ở trong thành phố nhưng nguồn vốn để thực hiện lên tới 18 tỷ USD. Kể cả Hà Nội cũng cần thêm một nhà ga mới bởi khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đây sẽ vượt kỷ lục 1 triệu tấn tới năm 2019”. Trong khi đó, dù TPP đã gặp trở ngại nhưng Việt Nam vẫn hưởng lợi từ giao thương tăng mạnh của Mỹ và ông Quang nói rằng hiệp định thương mại tự do khu vực Á Âu và Liên minh kinh tế châu Âu vẫn sẽ thúc đẩy xuất khẩu kinh tế. “Tôi rất lạc quan với triển vọng trong tương lai. Tất cả sẽ cùng có lợi dù là mảng dịch vụ mặt đất, hàng không hay vận chuyển hàng hóa”.