Thư Viện Kiến Thức
Blockchain – bước đột phá mới của chuỗi cung ứng
1611/17
Blockchain là gì? Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian do đó nó còn được gọi là chuỗi khối (blockchain). Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi "dấu hiệu của niềm tin".
Về cơ bản blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn chứ không phải một vị luật sư hay một ngân hàng nào đó. Hiểu một cách đơn giản, đây là một kỹ thuật mã hóa cho phép xác minh thông tin xuyên suốt vòng đời của sản phẩm, theo dõi dòng đi của sản phẩm giữa các bên mà không cần phải liên tục ghi lại theo kiểu thủ công. Bạn chỉ cần click chuột truy cập là biết ai đã làm gì, vào lúc nào với sản phẩm trong chuỗi. Thay vì chỉ được truy cập bởi một hoặc một số ít người làm ra, thông tin trong blockchain có thể được hiển thị với tất cả mọi người trong hệ thống. Bạn có thể kiểm tra trực tiếp dữ liệu về sản phẩm bất cứ lúc nào mà không cần phải đi qua bên quản lý trung tâm như trước đây. Tuy vậy, mọi dữ liệu đều được “đóng hộp” vô cùng bảo mật, được đồng bộ và sao chép một cách tự động. Blockchain có thể giúp gì cho chuỗi cung ứng?
1 – Hệ thống theo dõi dữ liệu không lỗi, giúp quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn Công nghệ Blockchain không cần máy quét hoặc bất cứ thiết bị nào tương tự để xác thực thông tin, nó có thể tự động lưu lại dữ liệu mọi thể loại về sản phẩm. Không còn phải lo lưu trữ tài liệu giấy, không còn cần những báo cáo thủ công. Blockchain lưu lại mọi sự tương tác dù là nhỏ nhất trong suốt chiều đi của sản phẩm. Dữ liệu không hề bị ảnh hưởng, dù có vấn đề gì xảy ra với hệ thống. Chúng ta có thể cắt bỏ những chi phí lưu trữ hành chính khổng lồ mà vẫn đảm bảo tính xác thực cao của dữ liệu, từ đó quản lý và dự đoán rủi ro tốt hơn.
2 – Xây dựng cơ sở dữ liệu tin cậy, an toàn, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng Với blockchain, dữ liệu một khi đã được xác thực và lưu lại sẽ không thể thay đổi hay đánh cắp. Điều này có được nhờ các kết nối thông minh với một số điều kiện mã hóa được yêu cầu để xác nhận tính hợp lệ và cho phép hoàn tất giao dịch. Bãn sẽ thấy rằng blockchain có thể ngăn chặn những tiêu cực thường thấy trong cơ sở dữ liệu truyền thống, ví dụ như việc khai khống dữ liệu vì mục đích cá nhân. Ngoài ra, với yêu cầu xác thực duy nhất để tương tác với blockchain, những lỗ hổng bảo mật đã được giảm đến mức tối thiểu. Với quyền truy cập rộng mở cho cả mạng lưới, các thành viên giờ đây có quyền bình đẳng chia sẻ dữ liệu. Điều này giúp tăng sự tin tưởng giữa các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng và từ đó tạo nên sự hợp tác chặt chẽ hơn trong cả hệ thống. Không chỉ thế, doanh nghiệp có thể lấy được sự tin tưởng nhiều hơn từ khách hàng bằng cách công khai tiến trình sản xuất sản phẩm, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh.
3 – Tăng năng suất làm việc, đơn giản hóa việc tìm lỗi trong chuỗi cung ứng Khi lòng tin và sự minh bạch đã được hình thành, tất cả những tương tác liên quan đến sản phẩm đều trở nên nhanh chóng và thông suốt hơn, từ đó tăng năng suất và sản lượng giao dịch. Lợi ích của blockchain không chỉ dừng lại ở đó. Khi các giao dịch được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu có phân cấp và theo thứ tự thời gian, việc theo dõi lỗi trở nên thật đơn giản. Nó cũng giúp các nhà quản lý chuỗi cung ứng phản ứng kịp thời với các sự cố xảy ra trong chuỗi. Blockchain: con đường giúp quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn Công nghệ Blockchain được phân cấp, mở rộng quyền truy cập cho tất cả mọi người, mã hóa, có khả năng lưu trữ một lượng lớn thông tin tự động và đồng bộ. Những ưu điểm này khuyến khích sự tin tưởng giữa các đối tác vốn hay nghi ngờ vào chuỗi cung ứng. Càng nhiều thông tin đáng tin cậy được chia sẻ, tính minh mạch trong chuỗi cung ứng sẽ càng cao. Đó là khởi đầu của một chuỗi cung ứng hiệu quả. Thách thức của Blockchain Đó chính là Luật pháp. Những quy định, điều luật và hiệp định thương mại sẽ kiềm chế các quyền sở hữu và công bố thông tin. Đặc biệt là các tuyến đường biển với rất nhiều điều luật chồng chéo. Ứng dụng của Blockchain Maersk là công ty vận tải biến lớn nhất thế giới vừa qua đã hoàn tất việc thử nghiệm ứng dụng blockchain vào theo dõi hàng hóa. Bài kiểm tra không chỉ có Maersk mà còn bao gồm sự tham gia của đại diện Hải quan Hà Lan và Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ. Công nghệ blockchain đảm bảo độ tin cậy thông qua chữ ký điện tử được mã hóa giúp cho việc bỏ sót hoặc gian lận hàng hóa trong quá trình vận chuyển trở nên khó khăn hơn và giảm thời gian trung chuyển hàng hóa. Provenance, một startups tại Anh, cho phép người dùng “chia sẻ thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm và ảnh hưởng của công ty tới môi trường và xã hội.” Walmart đang hợp tác với IBM và Đại học Tsinghua – Bắc Kinh để tiến hành theo dõi dòng thịt lợn từ Trung Quốc bằng blockchain. BHP Billiton - Tập đoàn khoan khổng lồ sử dụng công nghệ blockchain để theo dõi các phân tích đá quý từ các bên thuê ngoài. Startup Everledger sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm, đặc biệt startup này hướng tới việc hỗ trợ các công ty đá quý tránh khỏi việc thu mua “kim cương máu” – loại kim cương được khai thác ở các vùng chiến tranh, nhằm tránh cung cấp tài chính cho các nhà độc tài. Tiềm năng của Blockchain Blockchain với tiềm năng phá vỡ mọi giới hạn hợp tác toàn cầu, kết hợp với sự chính xác về thông tin và kiểm soát sẽ là một hướng đi đầy triển vọng trong tương lai. Vì thế các nhà phát minh, doanh nhân, các trung tâm học thuật và cả chính phủ đang dần nhận định blockchain sẽ là xương sống cho nền kinh tế tương lai.