Dịch vụ 3PL hay
Third-
party Logistics không còn xa lạ với các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Việc thuê ngoài một phần hay toàn bộ hoạt động logistics và supply chain đang là xu thế tất yếu của của các doanh nghiệp chủ hàng: bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và bán lẻ. Điều đó giúp họ thực sự tập trung vào các hoạt động cốt lõi của mình như: Production (sản xuất), Marketing/ Sale (bán hàng), Procurement/ Financing (Mua hàng và quản trị tài chính).
Khái niệm Contract Logistics là một phần không thể tách rời khi chúng ta nhắc đến 3PL. Để sử dụng hợp lý và linh hoạt dịch vụ của
Third-
party Logistics đòi hỏi người quản trị chuỗi cung ứng phải hiểu đúng, đủ về khái nhiệm này. Vậy Contract Logistics là gì? Nó được chia nhỏ thành những loại hình nào? Tại sao trong 10 năm trở lại đây, thị trường 3PL lại nói tới nhiều hơn về Inhouse Logistics? Inhouse Logistics và Contract Logistics khác nhau như thế nào và cách phân biệt chúng ra sau? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này.
Contract logistics là gì?
Contract logistics là một dịch vụ logistic mà các công ty hoặc tổ chức thuê một nhà cung cấp dịch vụ logistic chuyên nghiệp (thường gọi là nhà cung cấp dịch vụ logistic hoặc 3PL - Third-Party Logistics) để quản lý một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng của họ. Các dịch vụ contract logistics bao gồm quản lý kho bãi, vận chuyển, quản lý đặt hàng, đóng gói, xử lý trả hàng, và nhiều hoạt động khác liên quan đến logistic và chuỗi cung ứng.
Các dịch vụ Contract Logistics thông thường bao gồm:
- Dịch vụ thuê kho và trung tâm phân phối: Các 3PL sẽ thay mặt chủ hàng thực hiện tất cả các công đoạn từ nhập hàng, đóng gói, dán nhãn, lưu kho, soạn hàng, xuất hàng..vv…, đảm bảo hàng hoá được quản lý đúng, đủ về cả số lượng và chất lượng. Chúng ta thường thấy loại hình này tại các kho hàng và trung tâm phân phối lớn tại các cụm KCN lân cận Hà Nội và Hồ Chí Minh như: KCN tại Bình Dương, Biên Hoà, Long An (khu vực phía Nam), các KCN tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng (khu vực phía Bắc). Một điểm cần hết sức lưu ý trong loại hình này là các 3PL không cần thiết phải sở hữu nhà kho hay trung tâm phân phối của riêng mình. Họ hoàn toàn có thể thuê ngoài cơ sở vật chất (kho bãi) từ một bên thứ ba, sau đó kết hợp với kinh nghiệm vận hành, nền tảng CNTT và mạng lưới của mình để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Trên thị trường hiện này, chúng ta cũng có thể thấy rất nhiều các đơn vị chủ kho/ cho thuê kho (hay còn gọi là Landlord) cung cấp các kho hàng xây sẵn với tiêu chuẩn cao như: Mapletree, BWI, Cainiao. Tuy nhiên, họ không phải là 3PL và nếu các chủ hàng thuê trực tiếp kho hàng từ các Landlord này thì đó không được coi là dịch vụ Contract Logistics. Về bản chất, lúc này các doanh nghiệp chủ hàng chỉ sử dụng dịch vụ lưu trữ hàng hoá của bên cho thuê kho, các dịch vụ khác cấu thành nên Contract Logistics như quản lý nhập xuất và các hoạt động giá trị gia tăng sẽ không có và đòi hỏi chủ hàng phải tự mình thực hiện.
- Dịch vụ vận tải hàng hoá: 3PL sẽ đứng ra vận chuyển đơn hàng đến các khách hàng, đảm bảo hàng hoá được giao đủ số lượng, đúng leadtime. Các khách hàng trong khái niệm này là các nhà phân phối, các chuỗi siêu thị bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi hoặc có thể là người dùng cuối (End-Customer), họ được hiểu là khách hàng của đơn vị chủ hàng (hay đơn vị thuê dịch vụ Contract Logistics). Các dịch vụ vận tải cũng được chia nhỏ ra thêm thành nhiều loại như: vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không hoặc kết hợp thành đa phương thức. Đơn hàng sau khi giao hoàn thành cũng được tính phí theo nhiều cách thức linh hoạt: theo chuyến, theo CBM, theo tấn hoặc theo Pallet. Các hình thức tính phí linh hoạt này sẽ giúp đơn vị chủ hàng chủ động trong việc tính toán, điều tiết ngân sách cho hoạt động logistics của mình.
- Các dịch vụ khác: dịch vụ tư vấn, thiết kế lại chuỗi cung ứng, khai thuê hải quan, freight forwarding..vv..
Picture: Một vài khách hàng CJ Gemadept đang cung cấp dịch vụ Contract Logitsics thông thường.
Dịch vụ Inhouse Logistics là gì?
Bản chất Inhouse Logistics Service là Contract Logistics. Điểm khác biệt lớn nhất là dịch vụ Inhouse Logistics được thực hiện bên trong cở sở sản xuất của chính khách hàng. Thay vì đẩy lượng hàng hoá tới lưu trữ tại các kho và trung tâm phân phối của 3PL, Inhouse Logistics Service yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ 3PL đưa nhân sự, thiết bị, hệ thống, quy trình vận hành vào xử lý các đơn hàng ngay tại các kho thuộc khuôn viên nhà máy. Các kho hàng này thường là kho nguyên vật liệu, kho bao bì, linh kiện và kho chính phẩm. Sự kết hợp giữa cơ sở vật chất có sẵn và kinh nghiệm vận hành của 3PL giúp tối ưu chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Song song với đó, lượng hàng mới sản xuất cũng được nhanh chóng xuất bán ra thị trường khi cần thiết (thay vì phải trung chuyển một lượt qua kho ngoài của 3PL). In-house Logistics Service phù hợp với hầu hết các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
Các vấn đề cần lưu ý trong Inhouse Logistics:
- Quản lý kho nguyên vật liệu (NVL): Đây là nhiệm vụ thường thấy của các 3PL khi cung cấp dịch vụ inhouse logistics. Các mặt hàng tại kho NVL thường có số lượng SKU code (mã hàng) lớn và thuộc nhiều chủng loại khác nhau như: thùng carton, chai, nắp, dây, túi nilon, hương liệu, nguyên liệu..vv... Hầu hết các sản phẩm không được barcode hoá hoàn toàn, dẫn tới áp lực kiểm soát chính xác tồn kho. Ngoài ra, các 3PL cũng cần đảm bảo năng suất xuất nhập để cung cấp hàng hoá đúng đủ cho dây chuyền sản xuất (production line). Việc hàng hoá tại kho NVL bị cung cấp sai, thiếu cho dây chuyền sẽ dẫn tới nguy cơ sản xuất bị tạm dừng, sản phẩm không đạt chất lượng.
- Nhập hàng chính phẩm từ khâu sản xuất: Việc đưa hàng từ khâu sản xuất (production line) vào kho lưu trữ chính phẩm yêu cầu sự tổ chức và quản lý kỹ lưỡng. Với nhịp độ sản xuất thường xuyên và tốc độ diễn ra nhanh chóng, lượng hàng cần nhận từ sản xuất là rất lớn và không thể bị gián đoạn. Điều này yêu cầu các 3PL phải có kế hoạch và bố trí nguồn lực hợp lý để đảm bảo quá trình nhập hàng diễn ra một cách suôn sẻ, hạn chế những sự cố và đảm bảo tính liên tục. Vấn đề giao nhận, bàn giao hàng hoá giữa sản xuất và kho chính phẩm cũng là một bài toán cần phải tối ưu. Việc bố trí kiểm đếm ngay tại khu “đệm” giữa sản xuất và kho thường dẫn đến các tắc nghẽn và gây ra chờ đợi. Pallet coding được xem là một trong các giải pháp hiệu quả để xử lý vấn đề này. Mỗi Pallet sau sản xuất sẽ được định danh và dán nhãn bằng số ID duy nhất. Việc giao nhận hàng hoá lúc này chỉ gói gọn ở bước scan barcode, giúp hạn chế lỗi sai, tiết kiệm chi phí nhân sự và tăng năng suất
- Thay đổi layout kho và quy trình vận hành: thay đổi layout kho có thể bao gồm việc di chuyển vị trí lưu trữ hàng hóa, tạo ra khu vực lưu trữ độc lập cho các loại sản phẩm khác nhau, hoặc tối ưu hóa không gian để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nhập và xuất hàng. Điều này có thể giúp giảm thời gian tìm kiếm sản phẩm và nâng cao hiệu quả của kho lưu trữ. Song song với đó, cải tiến quy trình cũng là một trong các nhiệm vụ thiết yếu của 3PL, nhằm đem lại năng suất ngày một cao. Thay đổi quy trình hướng tới cắt giảm các bước thừa, thay đổi phương thức thực hiện nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tế thì việc thay đổi layout hàng hoá hay quy trình hoạt động trong inhouse logistics không dễ dàng như tại các kho/ trung tâm phân phối bên ngoài. Trong khi các hoạt động này tại kho ngoài thường không quá khó khăn trong việc “cut-off” thời gian vận hành, giúp việc chuyển đổi layout hay quy trình diễn ra một cách nhanh gọn thì trong inhouse logistics, chúng đòi hỏi phải xem xét và thực hiện cẩn thận, đặc biệt là không gây ra gián đoạn quá trình sản xuất. Việc “cut-off” để thay đổi layout hay quy trình trong inhouse logistics thường khó khăn và đòi hỏi 3PL phải tìm ra các giải pháp phù hợp. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận trong nhà máy và đảm bảo rằng mọi thay đổi được thực hiện một cách có hệ thống và đồng bộ.
- Khó khăn trong việc tối ưu hoá các nguồn lực: Inhouse logistics là loại hình 3PL đưa nguồn lực vào kho hàng có sẵn của của khách hàng để vận hành. Việc này đồng nghĩa toàn bộ diện tích sử dụng trong kho hàng hay nguồn lực đã bố trí chỉ phục vụ cho riêng lẻ 01 khách hàng duy nhất. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất và sản lượng hàng bán thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là FMCG thường không đều và ổn định. Chênh lệch giữa thời gian cao điểm và thấp điểm là rất lớn. Việc này gây lên áp lực cân đối nhân sự cũng như trang thiết bị cho 3PL. Những ngày sản lượng thấp sẽ gây lên sự lãng phí trong khi những ngày sản lượng cao thì khó có thể đáp ứng. Đối với các kho và trung tâm phân phối bên ngoài, 3PL có thể tìm đến các giải pháp tối ưu và chia sẻ nguồn lực cho nhiều khách hàng, linh hoạt theo từng thời điểm khác nhau. Nhưng với inhouse logistics, việc này thường không được phép hoặc rất khó thực hiện, đòi hỏi 3PL phải nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khác phù hợp.
Hình ảnh: Inhouse Logistics được thực hiện bên trong cơ sở sản xuất của chính khách hàng
Qua 15 năm hình thành và phát triển, CJ Gemadept rất vinh dự khi đã và đang được chọn là đối tác chiến lược cung cấp dịch vụ Inhouse Logistics cho nhiều khách hàng lớn như: Suntory Pepsico Viet Nam (SPVB), Diana Unicharm, GroupSep, Mercedez Benz VietNam, P&G, Modelez Kinh Đô.
Với đội ngũ vận hành chuyên nghiệp, hệ thống CNTT tiên tiến, mạng lưới logistics và đối tác rộng khắp, CJ Gemadept Logistics cam kết cung cấp giải pháp tối ưu dựa trên nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp (on demand). Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để trải nghiệm dịch vụ Inhouse Logistics hoàn toàn khác biệt tại Việt Nam!